Gan là tạng lớn nhất của cơ thể với nhiều chức năng quan trọng. Cứ 2 phút toàn bộ máu lại di chuyển qua gan 1 lần. Gan là cơ quan dự trữ các chất dinh dưỡng glycogen, lipit, protein, vitamin A, vitamin B12, máu và các chất tham gia tạo hồng cầu. Nếu trong khẩu phần ăn hằng ngày có nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật làm hàm lượng chất béo trong gan tăng thường gọi là "gan nhiễm mỡ".
“Bổ trung ích khí”: Bài thuốc quý chữa bệnh trĩ
- Cập nhật : 09/06/2015
Theo YHCT, nguyên nhân phát sinh bệnh trĩ là do: “Ham ăn đồ hậu vị, hoặc do rượu chè, dâm dục, lo nghĩ... uất nhiệt tích độc mà sinh ra...” (Danh y Tuệ Tĩnh).
Trong cơ thể chúng ta “tạng tỳ có quan hệ biểu lý với phủ vị. Tạng tỳ có chức năng vận hóa thủy cốc, chủ về cơ nhục, thống và nhiếp huyết... Lo nghĩ quá sẽ hại tỳ. Thận dương nuôi dưỡng tỳ dương...”.
Cây bạch truật.
Tỳ hư thì do các nguyên nhân sau: Thứ nhất là do chất dinh dưỡng trong thức ăn không đầy đủ hoặc do ăn uống bừa bãi. Thứ mà các danh y gọi là “ham ăn đồ hậu vị” chính là các loại thức ăn, uống cay nóng như tiêu, ớt, cà phê, rượu, chè... làm chức năng vận hóa của tạng tỳ bị tổn thương. Thứ hai là do tình chí con người bị kích thích quá mức, đã được YHCT đúc kết là “lo quá hại tỳ”. Thứ ba là do tạng thận vì “sắc dục quá độ” làm cho nguồn tinh khí bị hao tán, nên không đủ để đưa lên nuôi dưỡng tỳ dương. Tỳ đã hư thì làm cho vị (có quan hệ biểu lý với tỳ) cũng suy theo. Khi tỳ vị đã suy yếu thì không vận hóa được thủy cốc, nên tinh hoa đồ ăn uống không biến thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể mà thành thấp nhiệt, đàm trọc ứ đọng làm phát sinh các búi trĩ, tạo thành dịch tiết gây ngứa ngáy vùng hậu môn. Tỳ hư không làm chủ được cơ nhục, làm cơ nhục bị nhẽo (khí hư gây hạ hãm), nên các búi trĩ cùng khối da, cơ vùng hậu môn sa xuống. Tỳ hư không thống nhiếp được huyết, làm chảy máu khi đi đại tiện. Nhiệt tích đọng ở trường vị làm hao huyết, khô tân dịch nên đại tiện bị táo bón.
Như vậy có thể khẳng định rằng tất cả các nguyên nhân phát sinh bệnh trĩ đều tác động đến tỳ vị làm tỳ vị hư yếu mới làm bệnh trĩ bùng phát. Vì vậy, để chữa trị và dự phòng sự tái phát của bệnh trĩ, ngoài việc điều trị triệu chứng (làm tiêu các búi trĩ, chống táo bón, chống chảy máu...) thì phải tập trung vào điều trị gốc bệnh, tức là phải điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, giữ được trạng thái tâm lý vui vẻ, thoải mái, có quan hệ tình dục chừng mực, và đặc biệt là phải lấy việc bổ dưỡng tỳ vị làm chính. Trong số hàng nghìn bài thuốc cổ phương của YHCT, có một bài thuốc nếu biết gia giảm thích hợp, thì có thể vừa điều trị triệu chứng vừa điều trị nguyên nhân bệnh trĩ rất hiệu nghiệm, đó là bài “Bổ trung ích khí” do Lý Đông Viên, một danh y Trung Quốc chế ra. Bài thuốc gồm các vị sau:
Hoàng kỳ (tẩm mật ong, sao thơm) 12g, nhân sâm 4g (có thể thay bằng bố chính sâm 12g), bạch truật (sao với gạo) 8g, đương quy (tẩm rượu rồi chưng lên) 8g, cam thảo (sao với mật ong) 4g, thăng ma (sao với rượu) 6g, trần bì (sao thơm) 6g, sài hồ 6g. Nếu đại tiện ra máu nhiều, gia thêm cỏ nhọ nồi (sao đen) 8g, hoa hòe (sao thơm) 8g. Nếu nóng rát, tiết dịch nhiều ở vùng hậu môn gia hoàng bá (sao vàng) 6g.
Bài “Bổ trung ích khí” gia giảm trên có tác dụng như sau:
Cây nhân sâm.
- Điều trị các triệu chứng:
Làm mất cảm giác tức nặng vùng hậu môn - trực tràng, nâng các búi trĩ và tổ chức da cơ lên có thăng ma, sài hồ. Chống táo bón có đương quy, hoàng bá, hoa hòe. Trừ đàm thấp gây tiết dịch, viêm nhiễm có trần bì, hoàng bá, thăng ma. Làm sạch tổ chức hoại tử và sớm tái tạo tổ chức mới nhờ hoàng kỳ, đương quy, bạch truật. Làm bền vững thành mạch, chống chảy máu nhờ cỏ mực, hoa hòe.
- Điều trị nguyên nhân:
Như đã phân tích, muốn điều trị và dự phòng tái phát bệnh trĩ, cần phải chữa vào gốc bệnh, tức là phải ưu tiên bổ dưỡng tỳ vị là chính. Vì vậy, cấu tạo của bài thuốc có đến 5 vị thuốc để kiện tỳ, bổ vị, kích thích ăn uống là hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo, nhân sâm, trần bì.
Với tác dụng như vậy nên bài thuốc “Bổ trung ích khí” gia giảm điều trị hiệu nghiệm bệnh trĩ nội độ I và II. Nếu trĩ độ III, IV, trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại thì vừa dùng các phương pháp khác làm rụng các búi trĩ, đồng thời uống kèm với bài thuốc này cho đến khi lành vết thương. Để phòng ngừa bệnh trĩ tái phát, những lúc người bệnh có cảm giác tức nặng, nóng rát vùng hậu môn hoặc đại tiện táo bón nên uống từ 3-5 thang “Bổ trung ích khí” gia giảm cho mỗi đợt.
Cách dùng: Nếu dùng thuốc thang thì sắc như sau: Nước nhất đổ vào 3 chén nước sắc thành 1 chén, nước nhì đổ vào 2 chén nước sắc thành 8/10 chén hòa chung chia 2 lần uống sau khi ăn cơm.
Nếu dùng tễ: Mỗi ngày uống 20-30g chia thành 2 lần sau khi ăn cơm.
Tuy nhiên đối với các bệnh nhân bị xuất huyết ở phần trên như ho ra máu, chảy máu cam, ho, suyễn, bệnh kiết lỵ, người gầy yếu, nóng bức, hay ra mồ hôi... thì không dùng được bài này.