Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982) là một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Viện sĩ Viện hàn lâm Y học Liên Xô. Ông còn là một giáo sư, đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ tài năng...
Bác sĩ Trần Hữu Tước
- Cập nhật : 08/06/2015
Trong những ngày lễ lớn, trên vô tuyến truyền hình, thường chiếu lại những phim tư liệu lịch sử. Đoạn phim có hình Bác Hồ cùng phái đoàn của ta từ Pháp trở về nước năm 1946 sau Hội nghị Phông-ten-nơ-blô: khi Bác bước lên cầu thang của một tàu biển quân sự của Pháp, có một người cao, gầy đi liền sau Bác, đó là BS Trần Hữu Tước, một chuyên gia Tai Mũi Họng (TMH), một Việt kiều ở Pháp.
GS. BS. Trần Hữu Tước |
BS Trần Hữu Tước sinh ngày 13.10.1913 trong một gia đình trung lưu tại làng Bạch Mai, xã Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, là một trong những học sinh Việt Nam xuất sắc nhất của trường Trung học An-be Sa-rô (Albert Sarraut), vào đầu thập kỷ 30.
Ông được gửi sang Pháp học và thi đậu vào trường Đại học Y khoa Paris. Từ thời niên thiếu, ông có hoài bão trở thành bác sĩ vì ông đã đau xót nhìn thấy đồng bào mình, trong đó có những người cháu ruột thịt, bị chết vì bệnh tật do thiếu thốn thuốc men, phương tiện chẩn đoán, điều trị ở một nước thuộc địa. Ông cũng đã chọn chuyên ngành TMH, mà theo ông, chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam. Bảo vệ luận án bác sĩ y khoa xuất sắc năm 1937, ông được giữ lại làm trợ lý cho giáo sư TMH danh tiếng thời đó, ông Lơ-mi-e. Với đôi tay khéo léo, lại được đào tạo tại một trường Đại học Y khoa vào loại tốt nhất thế giới, chẳng bao lâu ông đã được nhiều bệnh viện mời hợp tác. Giữa lúc đó, nổ ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II. Ông nhanh chóng xác định được chỗ đứng của mình: tham gia vào hàng ngũ những người kháng chiến yêu nước Pháp, chống lại quân Đức.
Ông có ngờ đâu rằng những ngày tháng ở chiến trường kháng Đức đó đã giúp cho ông bao nhiêu kinh nghiệm để sau này ông phục vụ cho chính đồng bào mình trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Với sẵn có lòng yêu nước, thương dân, một dịp may đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của ông, đó là việc Bác Hồ cùng phái đoàn ta sang Pháp đàm phán năm 1946. Từ bỏ ngay lập tức mọi cám dỗ vật chất ở kinh đô ánh sáng, với một tay nải dụng cụ chuyên môn, ông đã theo Bác Hồ về nước cùng với ông Võ Quý Huân và ông Trần Đại Nghĩa.
GS Trần Hữu Tước tại Bệnh khoa Tai Mũi Họng ở Chiêm Hoá - Tuyên Quang |
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, BS Trần Hữu Tước đã tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược Cách mạng và đào tạo các chuyên gia TMH đầu tiên cho nước Việt Nam độc lập. Hòa bình được lập lại trên miền Bắc năm 1954, ông được cử làm giáo sư Trường Đại học Y Dược Hà Nội, phụ trách bộ môn và chuyên khoa TMH, đồng thời đảm nhận chức vụ giám đốc bệnh viện đa khoa trung ương lớn nhất là bệnh viện Bạch Mai.
Ở những chức vụ này, ông đã góp phần quan trọng vào công tác điều trị từ trung ương đến tỉnh, song song với việc xây dựng mạng lưới chuyên khoa TMH rộng khắp, và đào tạo cán bộ TMH từ sơ cấp đến cao cấp. Với sự nỗ lực của ông, Viện TMH Trung Ương ra đời năm 1969, và ông trở thành người Viện trưởng đầu tiên. Từ đó cho đến những ngày cuối đời, GS Trần Hữu Tước đã có điều kiện dốc toàn bộ sức lực góp phần xây dựng một ngành TMH Việt Nam hoàn chỉnh, có nhiều chuyên khoa sâu, có những đóng góp to lớn cho nền y học và y tế nước nhà, có tiếng vang trên trường quốc tế.
Với những thành tích đó, ông được tặng danh hiệu Anh hùng Lao Động và nhiều huân chương cao quý của Nhà nước.
Ông từ trần ngày 23.10.1983, hưởng thọ 70 tuổi.
Gần đây, với những công trình và cống hiến xuất sắc của ông trong ngành y tế, ông được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Khoa học Hồ Chí Minh.
Cuộc đời của GS Trần Hữu Tước thể hiện một chân lý đơn giản: một người dù thông minh, uyên bác đến đâu, chỉ khi nào chọn được cho mình một lý tưởng cao đẹp để phụng sự thì mới trở thành một người chân chính.
Một số danh hiệu và giải thưởng của ông:
* Thầy thuốc chuyên khoa tai - mũi - họng
* Bác sĩ y khoa và là giảng viên Trường Đại học Pari.
* Giáo sư y học tại Trường Đại học Y Dược Hà Nội.
* Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội (1955 - 69);
* Đại biểu Quốc hội, uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
* Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam,
* Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
* Anh hùng lao động (1966),
* Huân chương Kháng chiến hạng nhất,
* Huân chương Lao động hạng nhất,
* Huân chương Độc lập hạng nhất.
* Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).
(Nguồn: st )
Trở về