Theo Ths.BS Trần Công Duy, huyết áp thường tăng cao sau khi thức dậy vào buổi sáng do nhiều nguyên nhân. Các biến chứng, đặc biệt là đột quỵ, thường xảy ra vào lúc này khi huyết áp đột ngột vọt lên cao.
4 lưu ý phòng nhiễm giun sán cho cả nhà
- Cập nhật : 24/11/2017
Giun sán có thể đẻ 30.000 quả trứng mỗi ngày, sống thọ 10 năm, nếu không ăn chín uống sôi, rửa tay xà bông, tẩy giun định kỳ...
Sán lá gan, sán gạo; giun đũa, kim, tóc… thường có chu kỳ phát triển rất nhanh, vòng đời dai dẳng và nguy hiểm. Giun tóc có chu kỳ phát triển 60 ngày, đẻ 3.000-20.000 trứng mỗi ngày, sống 5-10 năm. Giun móc đẻ 9.000-30.000 trứng mỗi ngày, chu kỳ phát triển trong 4-5 tuần.
Giun sán phát triển và trưởng thành ở ruột, có thể tồn tại dưới dạng ấu trùng và di chuyển lạc chỗ theo đường máu đến các cơ quan nội tạng như gan, phổi, mắt, hốc mũi, tai, hệ thần kinh. Chúng gây ra những tổn thương nghiêm trọng như khó thở, giảm thị lực, viêm tai, liệt người, rối loạn tri giác...
4-luu-y-phong-nhiem-giun-san-cho-ca-nhaTẩy giun định kỳ cho cả nhà để bảo vệ sức khỏe và tránh lây nhiễm chéo. Ảnh: Shutterstock
Thói quen ăn thực phẩm tái sống, hải sản, rau sống không được rửa sạch, nước uống hoặc nước sinh hoạt nhiễm bẩn... khiến giun sán có cơ hội xâm nhập vào cơ thể. Trẻ nhỏ tay chân bẩn, không giữ vệ sinh sau khi đại tiểu tiện, ăn đồ chưa chín kỹ, ôm ấp chó mèo... cũng dễ nhiễm giun.
Để phòng và diệt giun sán, cần tuân thủ 4 nguyên tắc dưới đây:
Ăn chín uống sôi, dùng thực phẩm an toàn
Thức ăn cần đảm bảo được nấu chín; tránh các thực phẩm bẩn, kém chất lượng; hạn chế ăn rau sống, tái chín, hải sản, tiết canh. Thức ăn cần được bảo quản tránh xa ruồi, nhặng, gián, chuột…
Nước uống cần được đun sôi. Nguồn nước sinh hoạt dùng để nấu ăn, giặt giũ, tắm rửa cũng cần được xử lý, có chế độ lọc an toàn để loại bỏ trứng giun.
Vệ sinh cá nhân, giữ môi trường sống sạch sẽ
Người lớn cần rửa sạch tay bằng xà bông sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và cả lúc chế biến thực phẩm, tắm rửa cho trẻ, để tránh trứng giun xâm nhập vào cơ thể.
Cha mẹ nên nhắc nhở trẻ noi gương, giữ vệ sinh cá nhân nhằm chủ động bảo vệ cơ thể. Môi trường sống cần được dọn dẹp sạch sẽ, tránh nước đọng, đất cát khiến trứng giun sán phát triển.
Rửa tay thường xuyên giúp hạn chế nhiễm giun sán. Ảnh: ShutterstockRửa tay thường xuyên giúp hạn chế nhiễm giun sán. Ảnh: Shutterstock
Dọn dẹp nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh là nơi lây nhiễm giun lý tưởng nhất. Do đó, nên sớm dạy trẻ cách đi vệ sinh đúng cách, tránh vấy bẩn ra cơ thể, lau rửa thật sạch sau khi đi xong. Nhà vệ sinh cũng cần được chùi rửa, sát trùng định kỳ để tránh trứng giun sinh sôi.
Cha mẹ nên dặn dò trẻ nhỏ mang giày dép khi ra vào những khu vực kém vệ sinh, hạn chế tiếp xúc với bồn cầu, chậu rửa mặt.
Tẩy giun định kỳ
Người lớn và trẻ nhỏ trên 2 tuổi nên tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Lưu ý, nên tẩy giun đồng loạt cho cả gia đình để tránh lây nhiễm chéo trở lại.
Khám định kỳ hàng năm cũng là cách phát hiện giun kịp thời và có biện pháp xử lý thích hợp. Trẻ nhỏ cần được đưa đi khám định kỳ để chủ động bảo vệ sức khỏe.
An San
Theo VNexpress