Sốt, chân tay nổi bóng nước, bé trai 2 tuổi ở quận 4 đã tử vong hôm 8/5. Đây là trường hợp thứ 7 tại TP HCM chết vì bệnh tay chân miệng, kể từ đầu năm.
Dịch bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh với virus độc tính cao
- Cập nhật : 08/06/2015
Đại diện Sở Y tế TP HCM chiều hôm qua đã lên tiếng cảnh báo bệnh nhi nhập viện do bệnh tay chân miệng đang tăng cao, nhiều trẻ bị biến chứng thần kinh. Từ đầu năm đến nay, bệnh đã lấy đi mạng sống của 6 em bé.
->> Tìm hiểu thêm về bệnh tay chân miệng
->> Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ mắc tay chân miệng
->> Biến chứng viêm não trong bệnh tay chân miệng
Bàn tay nổi nhiều nốt đỏ của một bệnh nhi tay chân miệng bị biến chứng. |
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP HCM cho biết, nếu từ đầu năm đến nay hơn 1.200 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng thì chỉ trong tháng 3, thành phố đã có 309 trường hợp, đặc biệt trong tháng 4 đến 595 cháu vào viện.
Cảnh báo tình hình bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong tháng 5, bác sĩ Thọ cũng cho biết, đã có 6 trường hợp tử vong vì bệnh này. Hầu hết bệnh nhân đều dưới 3 tuổi. Trong đó, nhiều bé khác nhập viện do bệnh gây biến chứng thần kinh phải cấp cứu.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện mỗi ngày có hơn 60 trường hợp nằm viện điều trị, trong đó ngoài các bé ở TP HCM, đa số là bệnh nhi đến từ các tỉnh lân cận. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số ca nằm viện ít hơn nhưng vẫn có 10% bệnh nhi bị biến chứng thần kinh phải cấp cứu.
So sánh với mùa dịch tay chân miệng năm trước tính trong 4 tháng đầu năm, đại diện Sở Y tế TP HCM cho hay, số ca năm nay nhiều hơn khoảng 300 trường hợp. Song năm 2010 chỉ có một bé tử vong.
Phân tích việc số ca tử vong tăng, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, nguyên nhân do tuýp virus entero 71 có độc tính cao của tay chân miệng đang có xu hướng xuất hiện nhiều hơn tuýp virus coxsackie A16 vốn ít gây biến chứng.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong thời điểm bệnh đang diễn biến phức tạp, điều cần thiết nhất để hạn chế trẻ nhiễm bệnh là phụ huynh cần giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt của bé. Bệnh do virus gây nên, chính vì thế người lớn phải đặc biệt quan tâm giữ sạch những vật dụng mà trẻ tiếp xúc qua cầm tay hoặc cho vào miệng.
Những trường hợp thấy bé bị sốt kéo dài hơn 2 ngày, kèm theo có nổi bóng nước ở trong miệng, trên tay, chân, mông, cần đưa đến bệnh viện để được thăm khám.
Tay chân miệng là bệnh nhiễm dễ lây lan cho trẻ dưới 5 tuổi và gây biến chứng cho trẻ dưới 2 tuổi, chính vì thế, khi có trẻ mắc bệnh, gia đình hoặc các cô giáo ở trường mầm non cần tránh để các bé khác tiếp xúc.
Hiện tại nhiều trạm y tế phường tại TP HCM đã tổ chức phát đến tận các gia đình loại dung dịch tẩy rửa dùng để pha vào nước lau nhà, nhằm phòng ngừa bệnh tay chân miệng.
(Theo Cao Lâm // VnExpress)
Trở về