Câu hỏi 65: Em tôi bị bệnh hẹp van hai lá ? Có phải là bệnh di truyền không ? Bệnh này như thế nào ?
Câu hỏi 62: Van tim là gì? Bệnh van tim là gì?
- Cập nhật : 01/08/2017
Câu hỏi 62: Van tim là gì? Bệnh van tim là gì?
Quả tim bình thường có 4 buồng tim là hai tâm nhĩ ở trên và hai tâm thất ở dưới, giữa các buồng tim có các cấu trúc đảm bảo cho tuần hoàn máu chỉ đi theo một chiều người ta gọi là các van tim. Giữa nhĩ trái và thất trái được ngăn với nhau bởi van hai lá cho máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái, dòng máu từ thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ đưa máu đi nuôi toàn cơ thể. Giữa nhĩ phải và thất phải ngăn cách với nhau bởi van ba lá cho máu đi một chiều từ nhĩ phải xuống thất phải, dòng máu từ thất phải qua van động mạch phổi vào động mạch phổi đưa máu lên phổi để trao đổi oxy. Như vậy quả tim bình thường có 4 cấu trúc van tim là van động mạch chủ, van động mạch phổi, van hai lá và van ba lá đảm bảo cho dòng máu luân chuyển theo một chu trình sinh lý.
Hệ thống van tim là các cấu trúc đảm bảo cho máu lưu chuyển giữa các buồng tim theo một chu trình nhất định. Bình thường các van tim này là các cấu trúc thanh mảnh, mềm mại, cấu tạo bởi các lá van tim, và được cố định bằng các dây chằng, cột cơ. Vì một nguyên nhân nào đó, các lá van này mất đi độ mềm mại, thanh mảnh, bị dầy lên, dính vào nhau, hoặc vôi hóa (như trong bệnh van tim do thấp) hoặc các dây chằng cố định van tim bị sa xuống, đứt (như trong nhồi máu cơ tim) làm cho các van này không hoạt động được bình thường dẫn đến các bệnh lý van tim. Khi các van tim trở nên dày và cứng hoặc dính các mép van làm hạn chế khả năng mở của van tim, gây cản trở dòng máu, hiện tượng này gọi là hẹp van tim. Khi các van tim đóng lại không kín do giãn vòng van, thoái hoá, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài… làm cho dòng máu có thể trào ngược lại trong thời kỳ đóng van gây ra hiện tượng này gọi là hở van tim. Các tổn thương trên có thể gặp ở tất cả các van tim, có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải. Các tổn thương van tim (hẹp hoặc/và hở van) đều có thể gây ra các rối loạn huyết động (tức là rối loạn lưu chuyển máu) và dẫn đến hậu quả bệnh lý từ mức độ nhẹ đến nặng.